LÁ PHỔI ĐIỀU HÒA KHÔNG KHÍ THỦ ĐÔ BỐC MÙI NỒNG NẶC
Việt Nam xưa có “Rừng vàng, biển bạc” nay Rừng đã bị chặt phá, khai thác bừa bãi có những nơi đồi trọc đến sói mòn…Còn biển thì sao? Ô nhiễm, rác thải khắp nơi đặc biệt vào mùa du lịch, nước xanh được che bởi những túi nilon, chai nhựa của du khách…Hay không đâu xa xôi, Hà Nội- Thủ đô trái tim của đất nước cũng ngày một trở lên ô nhiễm nghiêm trọng. Những lá phổi điều hòa không khí thủ đô đang rơi vào tình trạng bốc mùi, sủi bọt...
Hồ Ngọc Khánh được cải tạo vào tháng 6/2015 với mục tiêu cải thiện cảnh quan, môi trường. Từ tháng 2/2016, khi hoàn thành cải tạo đến nay, cuộc sống người dân quanh hồ bị đảo lộn bởi mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ mặt nước.
Bất kỳ ai đi qua góc hồ từ số nhà 20 đến 36 phố Phạm Huy Thông đều phải bịt mũi, các hộ gia đình kinh doanh buôn bán cạnh đó rơi vào tình trạng vắng khách và đóng cửa. Lý giải hiện tượng, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó giám đốc Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội, cho hay sau khi được cải tạo, hồ nào cũng xuất hiện tảo lục. Sau những ngày phát triển, tảo sẽ chết và nổi lên mặt hồ thành từng đám bọt theo chiều gió dạt về một góc, phân hủy gây ra mùi thối. Quá trình này kéo dài khoảng 1 đến 1,5 tháng rồi tự hết. Công tác xử lý váng tảo, rác đang được thực hiện. Đến ngày 6/5, đoàn kiểm tra của UBND quận Ba Đình, UBND phường Ngọc Khánh thông tin, tình trạng ô nhiễm đã giảm được khoảng 70%.
Bờ Hồ Tây đoạn ven đường Thanh Niên - Nguyễn Đình Thi, nơi có dãy du thuyền, quán bar, nhà hàng nổi đang cạn nước, trơ ra tầng rác thải dày đặc. Trước đó vào năm 2010, nhà chờ du thuyền và du thuyền hoạt động tại đây đã bị Phòng Cảnh sát môi trường, Công an Hà Nội lập biên bản vì chưa có đề án bảo vệ môi trường, chưa có giấy phép xả thải.
Hồ Đền Lừ (Hoàng Mai) tại những đoạn ngóc ngách sát mép hồ, cá chết thối rữa nổi lên mặt nước, nước hồ chuyển màu xanh đậm.
Hồ Hào Nam tạm thời bị thu hẹp để phục vụ dự án đường sắt trên cao. Khoảng diện tích còn lại của mặt hồ nổi đầy váng, xung quanh rác thải chất đống ngổn ngang. Ông Nguyễn Xuân Trang, Trưởng ban quản lý di tích đền Hào Nam (bên cạnh khuôn viên hồ), cho biết: "Năm 2012, thành phố bàn giao cho quận Đống Đa 10.000 m2 để làm hồ điều hòa, chứa nước mưa. Hiện nước thải sinh hoạt của nhiều hộ xung quanh chảy ra đó, khi nắng nóng và mưa, nước bốc mùi hôi thối".
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng - CECR (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam), năm 2010 Hà Nội có 122 hồ. 86/122 hồ được kè toàn phần, chiếm trên 77%. Trong số hồ đã được kè, tình trạng người dân lấn chiếm làm hàng quán diễn ra tràn lan.
LÁ PHỔI ĐIỀU HÒA KHÔNG KHÍ THỦ ĐÔ BỐC MÙI NỒNG NẶC
Hồ Văn Chương rộng 13.000 m2 nằm trên địa bàn giáp ranh và thuộc quyền quản lý của ba phường là Văn Chương, Thổ Quan và Hàng Bột. Hồ Văn Chương là hai trong số nhiều hồ đang bị ô nhiễm nặng ở Hà Nội bởi phải tiếp nhận nhiều nguồn xả thải. Nước hồ màu xanh đục, quanh miệng cống mùi hôi thối, mỗi khi mưa xuống, nước hồ chuyển màu đen đặc quánh.
Hồ Kim Liên (3.000 m2) với cỏ dại, bèo gần như phủ kín. Dự án xây dựng cải tạo hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Kim Liên được UBND TP Hà Nội phê duyệt ngày 23/4/2004, với tổng kinh phí 38,3 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án Giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư. Hơn 10 năm được phê duyệt, tiểu dự án cải tạo hồ Kim Liên vẫn dậm chân tại chỗ.
Hồ Linh Quang nằm ở ngõ Văn Chương II, phường Văn Chương, quận Đống Đa, diện tích 22.000 m2. Tình trạng ô nhiễm khiến nước hồ chuyển sang màu đen, bốc mùi xú uế, ven bờ bị rác thải và cỏ dại phủ. Kết quả phân tích cho thấy nước hồ bị ô nhiễm hữu cơ và sự phát triển mạnh của tảo.
Với những số liệu đưa trên và sự ô nhiễm trầm trọng của các hồ tại Hà Nội hiện nay, đặt cho chúng ta nhiều suy nghĩ? Phải chăng trách nhiệm quản lý của phường, xã chưa nghiêm khiến cho những người vi phạm vẫn tiếp tục vi phạm và số người vi phạm thêm ngày càng nhiều. Hay do ý thức của người dân đối với môi trường sống xung quanh mình còn quá kém, quá thờ ơ và chủ quan. Thiết nghĩ vấn đề môi trường nó không chỉ là mĩ quan của thành phố , mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mỗi chúng ta thì tại sao chúng ta lại quá bàng quan như thế? Người dân mỗi người ý thức một chút , tự giác và hình thành thói quen bảo vệ môi trường đồng nghĩa là bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của mỗi chúng ta. Chính quyền địa phương hãy xử thật nghiêm những trường hợp vi phạm gây mất vệ sinh môi trường để thành phố xanh - sạch - đẹp hơn.

Đăng nhận xét

 
Top