Ô tô rơi từ trên cầu xuống đường vành đai 3
Khi đang đi dưới chân cầu thì bất ngờ nghe tiếng động lớn, chiếc ô tỗ 7 chỗ đã bị biến dạng sau cú tông gãy lan can cầu và rơi xuống đường. Tài xế đã tử vong ngay sau đó
Địa điểm xảy ra tại nạn tại đường vành đai 3, gần nút giao Pháp Vân- Cầu Giẽ, quận Hoàng Mai, Hà Nội, lúc 2h00’ ngày 25/07 làm 1 người chết. Vụ việc đã được các cơ quan chức năng làm rõ, chiếc xe gây tại nạn là Chevrolet Captiva 7 chỗ mang BKS 29A-726.29. Lái xe là Nguyễn Văn Lý (SN 1973, trú quận Đống Đa, Hà Nội).
Theo một số người đi đường chứng kiến vụ tai nạn, chiếc ô tô 7 chỗ này khi đang lưu thông trên cầu đã lao thẳng xuống mặt đường cùng một phần lan can đường vành đai 3, xe bốc khói nghi ngút và hư hỏng nặng, nhiều bộ phận vỡ nát văng tung tóe trên đường.
Cụ thể, vào thời điểm trên, anh Lý điều khiển chiếc xe Captiva đang lưu thông theo hướng từ Tam Trinh đi Pháp Vân. Tuy nhiên khi đi đến khu vực gần ngã 3 Pháp Vân – Giải Phóng thì bất ngờ tài xế mất lái nên đã đâm xe vào lan can rồi chiếc xe rơi tự do từ độ cao 10 m xuống đất.
Cũng theo một người người dân gần hiện trường thì lái xe đi với tốc độ khá cao, khi đâm vào thành cầu và rơi xuống đất có tiếng động rất lớn khiến nhiều người đang ngủ phải giật mình
Nguyên nhân ban đầu được xác định do tài xế không làm chủ tốc độ nên đã đâm vào góc chuyển tiếp làn đường của đường trên cao, rồi rơi xuống phía dưới tử vong.
Đường Vành đai 3 trên cao xuống Pháp Vân - Giải Phóng ít nhất có 3 đoạn phần góc chuyển tiếp làn đường được thiết kế vuông góc nên nhiều tài xế cho rằng đây giống như cái “bẫy” nếu đi vào ban đêm
Ô tô rơi từ trên cầu xuống đường vành đai 3
Một tài xế xe tải cho biết: “Nguyên nhân tai nạn không riêng lỗi của tài xế mà còn có cả lỗi của nhà thiết kế, thi công. Sau sự cố lần này, tôi mới để ý rõ rằng nó không khác gì cái bẫy chết người. Nếu ai đó không để ý, thiếu quan sát là sập bẫy ngay. Đáng ra đoạn này phải làm hẹp dần dần thì lại cụt luôn thế này, nhìn đã thấy vô lý"
Theo ông Phạm Anh Tú, đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long cho biết, đoạn đường trên cao này được thiết kế hẫng 1 nhịp dầm như hiện tại bởi nó liên quan tới yếu tố hình học của tuyến đường. Thiết kế đoạn mở rộng này dành cho nhánh từ dưới đi lên cầu theo đường cong. Tới đoạn đó thì cắt độ rộng.
Thiết kế đã được tính toán cho phép xe chạy bao nhiêu km/h và chạy với khoảng cách cách hành lang an toàn thế nào, hộ lan được thiết kế với sự chịu đựng lực tác động đảm bảo an toàn với tốc độ tối đa cho phép xe chạy.
Nói chung, dù vì lý do gì thì tai nạn đáng tiếc đã xảy ra và những người cầm lái nên tính toán tuyến đường mà mình đang chạy, nếu đây là đoạn đường nguy hiểm thì nên giảm tốc độ để không phải rơi vào trường hợp tương tự, gây nên sự đáng tiếc về tính mạng. 

Đăng nhận xét

 
Top