Vấn đề cho thuê vỉa hè phục vụ cho việc kinh doanh có phải là giải
pháp phù hợp để giải quyết nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường hay không đang là
bài toán trong công tác quản lí trật tự tại các đô thị lớn.
Khái niệm kinh tế vỉa hè đã
xuất hiện từ lâu và nhiều nước trên thế giới đã thành công khi sử dụng một phần
vỉa hè để kinh doanh. Ví dụ tại Thái Lan, chính quyền đã tổ chức cho thuê vỉa hè theo giờ để bảo đảm an
sinh xã hội cho người bán hàng rong đồng thời cũng đáp ứng được nhu cầu thực tế
cho người dân khu vực. Việc kinh doanh sẽ diễn ra vào thời gian ngoài giờ cao
điểm giao thông như buổi trưa hoặc tối. Từ 12 đến 13 giờ người bán hàng rong
bày biện bàn ghế bán cơm trưa, sau đó các hộ kinh doanh phải trả lại vỉa hè cho
người đi bộ. Đồng thời để có quyền kinh
doanh, người bán phải đóng thuế, đóng tiền mặt bằng. Còn Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore
cũng có quy hoạch cụ thể các khu vực để những tuyến đường phù hợp sẽ được phép
buôn bán trực tiếp vỉa hè, người đi bộ vừa có thể tham quan, đi làm sẵn tiện
ghé vào mua sắm, hoặc tuyến đường dành hơn ½ diện tích vỉa hè cho phép người
dân buôn bán.
Tuy nhiên trước khi triển khai kinh doanh trên vỉa hè, chúng ta cần
khảo sát, đánh giá cụ thể về kinh tế xem vỉa hè gồm những thành phần liên quan
nào, đặc điểm của mỗi thành phần đó ra sao. Với các hộ kinh doanh lấn chiếm
lòng đường, vỉa hè nên đưa ra biện pháp xử lý triệt để. Các chính sách không
khoan nhượng với đối tượng mua bán chiếm vỉa hè, lòng đường để nới rộng không
gian kinh doanh, biến vỉa hè thành nơi buôn bán riêng cũng góp phần giải quyết
hiệu quả hơn bài toán quản lí trật tự vỉa hè. Còn với các đối tượng kinh doanh
nhỏ, rất nhỏ, chúng ta cũng nên cân nhắc mức độ ảnh hưởng đến địa phương, giao
thông đô thị, tác động đến đời sống mưu sinh của họ từ đó đưa ra giải pháp
riêng phù hợp, hỗ trợ họ tái hoạt động, ổn định đời sống.
Bên cạnh đó chúng ta cần nhìn nhận vấn đề kinh doanh dựa vào vỉa
hè hiện nay cũng tạo điều kiện cho một bộ phận lớn dân nhập cư đổ về thành phố kiếm
sống. Do đó giải quyết bài toán cư dân nông thôn cần có chính sách rõ ràng chứ
không chỉ bằng cách tạo điều kiện cho họ đến đô thị sống dựa vào vỉa hè. Chúng
ta không nên đặt kinh tế vỉa hè theo hướng biến vỉa hè hoàn toàn thành nơi kinh
doanh, vì khi xem lòng đường, lề đường như một loại kinh tế để phục vụ cho bộ
phận dân cư nào đó, chúng ta sẽ không còn những đô thị đúng nghĩa và như vậy
cũng gây bất công với người dân khu vực đô thị.
Vấn đề kinh doanh trên vỉa hè luôn có hai mặt, trong đó ảnh hưởng tiêu
cực của nó là gây cản trở việc lưu thông và khá khó khăn cho người đi bộ. Còn về
phương diện tích cực là nó giúp tăng nguồn thu kinh tế và đáp ứng nhu cầu
nhanh, tiện lợi của cư dân đô thị. Vì vậy,
Chính quyền các thành phố có thể rà soát lại các tuyến đường có vỉa hè rộng để sử dụng một phần
làm địa điểm cho thuê theo giờ, vừa đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân vừa bảo
đảm vỉa hè không bị quá tải.
Đăng nhận xét